Một nơi thư giãn, thanh tẩy cơ thể quan trọng như phòng tắm ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong thiết kế nhà. Nếu search tìm thông tin, bạn sẽ thấy hàng loạt mẫu mã, thiết kế hấp dẫn với đủ mọi phong cách dành riêng cho phòng tắm.
Mỗi chủ nhà, tùy vào sở thích riêng cũng như sự tương quan với phong cách chung của nhà, sẽ đưa ra các lựa chọn thiết kế khác nhau cho không gian nhà tắm. Và dù chọn đi theo cách nào, bạn cũng sẽ cần lưu tâm đến một số chi tiết quan trọng đề cao tính riêng tư, thoải mái và an toàn cho mọi thành viên trong gia đình. Qua thời gian làm việc, tư vấn thiết kế và trực tiếp giám sát quá trình thi công, xây dựng nhiều công trình nhà ở, Le Art thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc thường thấy của mỗi căn nhà. Nay mạn phép chia sẻ cùng các bạn để biết rõ hơn về các lưu ý cần nhớ khi thiết kế phòng tắm.
1/ ĐẶT PHÒNG TẮM Ở ĐÂU TRONG NHÀ?
Phòng tắm với tính ẩm thường xuyên, dễ là nơi tích tụ nguồn khí không tốt cho nhà. Xét về tính tiện lợi, phòng tắm cũng cần đặt ở vị trí thuận tiện, an toàn đi lại cho người trong gia đình. Các đường ống nước, đường điện, bồn xả cũng được tích hợp với không gian này phục vụ cho quá trình tẩy rửa vệ sinh cho các thành viên. Nên việc chọn vị trí xây dựng và thiết kế phòng tắm là cực kỳ quan trọng.
Có một số nguyên tắc cơ bản cần nhớ với vị trí nhà tắm trong nhà:
- Với khu đất nhà không vuông vắn, nhiều góc cạnh, nhà tắm nên đặt ở các góc thừa để ít choáng diện tích, cũng là điền đầy yếu điểm về phong thủy của nhà.
- Với các căn nhà ống, nhà tắm nên đặt ở vị trí cuối trong nhà, tránh đối diện cửa ra vào, phòng ngủ và cả phòng bếp
- Nhà có nhiều tầng, nhà vệ sinh của các tầng nên được đặt theo trục đứng để tận dụng đường điện nước hợp lý
Cũng không nên xây nhà tắm ngay dưới chân cầu thang. Khi dùng nhà tắm ở vị trí này, bạn dễ bị cảm giác hầm hực khó chịu.
2/ PHÂN BỔ DIỆN TÍCH PHÒNG TẮM PHÙ HỢP VỚI CĂN NHÀ
Khi đã chọn được vị trí đắc địa trong nhà để bố trí phòng tắm, bạn cần tiếp theo lưu ý thứ hai về việc phân bổ diện tích nhà tắm.
Cụ thể diện tích phòng tắm không nên quá rộng so với diện tích chung của nhà vì bạn còn phải chừa ra một phần lớn cho các phòng khác, và các khoảng trống thông thoáng trong nhà. Phòng tắm cũng không được quá nhỏ gây bí bách, không thoải mái trong quá trình vệ sinh thân thể.
Còn nếu hỏi về tỉ lệ giữa diện tích nhà tắm và căn nhà bao nhiêu là hợp lý thì gần như rất khó có câu trả lời. Việc bạn nên làm là lên kế hoạch liệt kê nhu cầu, đồ dùng tối quan trọng cần có trong nhà tắm và người dùng thực tế căn phòng tắm đó. Từ đây sẽ có được ý niệm rõ ràng hơn về diện tích phù hợp.

Khi đã chọn được vị trí đắc địa trong nhà để bố trí phòng tắm, bạn cần tiếp theo lưu ý thứ hai về việc phân bổ diện tích nhà tắm.
3/ CHỌN PHONG CÁCH THIẾT KẾ PHÙ HỢP
Như thế nào là “phù hợp”? Lại là một câu hỏi khá trừu tượng và không thể có câu trả lời trong thiết kế nhà ở. Để chọn được một phong cách thiết kế phù hợp cho căn phòng tắm của nhà, bạn có thể tự mình trả lời những câu hỏi sau:
– Ngôi nhà bạn đang ở được thiết kế theo phong cách nào?
– Bạn có muốn phòng tắm đi cùng phong cách đó hay thoải mái khác biệt một chút?
– Bạn thích phòng tắm giản đơn, hiện đại hay thanh lịch dịu dàng hay thuần khiến mộc mạc hoặc sang chảnh như phòng tắm trong các khách sạn cao cấp?
– Bạn thích dùng tone màu nào cho phòng tắm?
– Khi bước vào phòng tắm, ngả mình trong làn nước mát, bạn muốn mình có được cảm giác nào?
Sau khi đã trả lời các câu hỏi trên, bạn có thể tham khảo thêm một chút các nguyên tắc thường thấy sau đây trong thực tế thiết kế phòng tắm:
– Với diện tích nhỏ, phòng tắm có thể sẽ phù hợp với các phong cách tối giản và hiện đại
– Phòng tắm có diện tích trung bình sẽ hợp để phát triển phong cách tân cổ điển, mộc mạc, Indochine hoặc mang hơi hướm đồng quê
– Phòng tắm diện tích rộng có thể đi theo bất kỳ phong cách thiết kế nào, gần như không có giới hạn.
4/ VẬT LIỆU XÂY DỰNG, THIẾT BỊ MÁY MÓC DÙNG TRONG PHÒNG TẮM CẦN CÓ KHẢ NĂNG CHỊU NƯỚC, CHỊU ẨM TỐT VÀ CÓ ĐỘ BỀN CAO
Đây gần như là nguyên tắc bất di bất dịch trong thiết kế phòng tắm, Vì thường xuyên tiếp xúc với nước, hơi ẩm nên nếu có các lựa chọn từ vật liệu tới đồ dùng, thiết bị máy móc cho nhà tắm không phù hợp có thể dẫn đến nhiều tình trạng đáng tiếc. Nhẹ thì khó vệ sinh, mau hư hỏng, nặng thì gây ra các tai nạn không mong muốn, đặc biệt với nhà có trẻ nhỏ và người già.
Sàn, tường nhà tắm thường xuyên luôn ẩm ước, nên cần được lựa chọn các loại vật liệu không chỉ bền, thẩm mỹ mà còn nhất định phải có khả năng kháng nước, nhanh khô, có độ nhám vừa phải, có thể chống trượt nhưng đồng thời cần dễ dàng vệ sinh.
Nội thất, đồ dùng thiết bị, cũng phải tạo tính an toàn cho người dùng. Độ cao vừa tầm, chất liệu bền bỉ phù hợp, kết nối điện nước an toàn, gắn kết chặt chẽ với nền hoặc tường nhà tắm. Mục tiêu cuối cùng chính là ngăn ngừa tình trạng ẩm ướt của phòng tắm tối đa và tạo môi trường vệ sinh an toàn cho người dùng.
5/ LƯU Ý LẮP ĐẶT HỆ THỐNG THÔNG GIÓ VÀ THOÁNG KHÍ
Quạt thông gió, máy hút gió, hệ thống đèn điện chiếu sáng, cửa sổ nhỏ nếu có ở độ cao vừa tầm, đảm bảo mỹ quan và an toàn.. Đây đều là các cách hữu hiệu để tạo luồng không khí trong lành, thoáng đãng cho nhà tắm.
Các hệ thống này nếu lắp đặt đúng cách, chọn đúng loại, ở v ị trí phù hợp sẽ góp phần giúp phòng tắm nhà bạn luôn thông thoáng, giảm thiểu tình trạng ẩm mốc và mùi hôi không mong muốn. Từ đó tạo sự sạch sẽ, tươi mới, tăng tính an toàn và hỗ trợ độ bền cho các vật liệu, thiết bị trong phòng tắm.
Hy vọng danh sách các lưu ý cần nhớ khi thiết kế phòng tắm vừa trình bày đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn khi xây dựng, thiết kế phòng tắm.